Góc sáng tác nhạc sỹ Tăng Thình

- Thị trấn Vĩnh Lộc (Chiêm Hóa) nằm trên con đường đi Na Hang và Lâm Bình. Rất nhiều lần đi công tác qua đây, tôi muốn ghé qua thăm nhà nhạc sỹ Tăng Thình - hội viên Hội Nhạc sỹ Việt Nam, hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, hội viên Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam ở tổ dân phố Vĩnh Giang. Căn nhà xây khá bề thế ngay khu phố sầm uất của thị trấn phố huyện vẫn thường im ỉm đóng cửa.

Ông trồng nhiều hoa hồng ở trang trại vừa tạo cảnh vừa chiết xuất tinh dầu.

“Chú hỏi gì đấy? Một bác hàng xóm trạc tuổi lên tiếng. Cháu muốn hỏi nhà nhạc sỹ Tăng Thình. À, ông không ở đây đâu, cháu vào thôn Nà Coóc, xã Xuân Quang tìm may gặp” - Một người đàn ông trả lời khi tôi hỏi thăm nhạc sỹ Tăng Thình.

Vào xã Xuân Quang đi dọc con đường bê tông men theo sông Gâm mùa này nước xanh biếc, chảy hiền hòa là đến thôn Nà Coóc. Cách thị trấn Vĩnh Lộc chừng 3 km mà Nà Coóc vẫn mang vẻ hoang sơ của một bản người Tày. Xa xa mới thấy một nóc nhà bên những ngọn đồi trập trùng. Con đường bê tông khá nhỏ nhưng ô tô có thể vào tận trang trại của người nhạc sỹ dân tộc thiểu số tài hoa này. Vợ chồng nhạc sỹ đon đả ra đón khách. “Ồ David Hòa à. Dạ cháu đây!”. Qua cách xưng hô tôi biết nhạc sỹ Tăng Thình tuy gọi là “ở ẩn” nhưng ông vẫn theo dõi xã hội qua facebook. Đầu xuân vừa rồi, lâu lắm rồi nhạc sỹ Tăng Thình mới ra “khỏi tổ” để dự ngày thơ của tỉnh. Vì ông nghĩ ân tình “thơ chắp cánh cho nhạc và nhạc chắp cánh cho thơ”. Mấy tấm ảnh hiếm hoi chụp ông phát biểu, song cũng chỉ nhờ “ông facebook” chuyển hộ.

Nhạc sỹ Tăng Thình tiếp khách bên hiên nhà sàn. Có lẽ đây là “viu” đẹp nhất ngắm ra toàn cảnh khu trang trại. Chè nóng, khói thuốc lào vẫn bay lên đều đặn như người dân quê mình. Nhạc sỹ Tăng Thình bộc bạch: “Thật ra tớ không hợp ở nhà ống phố xá tý nào. Càng ở mình thấy sức khỏe không được tốt, tinh thần mất sự bay bổng. Ở lâu thấy nhạc cụt đi. Sau khi rời Đài Truyền thanh huyện Chiêm Hóa về nghỉ hưu, tôi nhất quyết bàn với vợ phải mua bằng được mảnh đất thoáng đãng để ở. Tôi về quê xã Tân Mỹ mua được căn nhà sàn gỗ cũ để dựng nhà. Ở nhà sàn giữa mênh mông cây cối, đất trời tôi như trở về bản ngã của chính mình. Cái “gu” dân tộc Tày càng được phát huy. Sống lặng lẽ, giản dị song yêu đời. Nhìn vườn hoa hồng nở bung khoe sắc bên hiên nhà chú thấy vợ chồng tôi yêu cái đẹp không”.

Dạo quanh trang trại của nhạc sỹ Tăng Thình đi khá mỏi chân. Ngoài cổng có cả cánh cửa sắt, chứng tỏ công tác quy hoạch, an ninh được nhạc sỹ đặt lên hàng đầu. Không giống với miệt vườn ở miền Nam chỉ trồng đại trà một loại cây, trang trại nhạc sỹ có đủ hoa thơm, trái ngọt bốn mùa. Cái vườn của người miền Bắc được thể hiện rõ nét, vườn tổng hợp. Ngoài nuôi 5 con bò, mấy chục con lợn đen, hàng trăm con gà ta, vài con chó trông nhà thì vợ chồng nhạc sỹ trồng nhiều cây quế, bưởi, quất, chuối, tai chua, ổi, nhãn, mít. Các loại rau, ớt không thiếu loại gì. Trên sân nhà sàn lại có hai cây phượng to, mùa hè lại bung khoe sắc đỏ. Trang trại giúp gia đình nhạc sỹ có thêm thu nhập mà còn là nơi để ông thư thái, sáng tác.

Nhạc sỹ vui vầy bên các cháu.

Tuy “ở ẩn” nhưng tên tuổi nhạc sỹ Tăng Thình vẫn bay xa. Bài “Tiếng đàn Then” giành được Huy chương Vàng Hội diễn toàn quốc Liên đoàn Lao động Việt Nam năm 2000 được nhiều khán, thính giả biết tới, hâm mộ. Mỗi lần “Tiếng đàn Then” cất lên là người ta nhớ ngay ra nhạc sỹ Tăng Thình. Bài hát có đoạn: “Bầu đàn tròn như trăng rằm/Cần đàn dài nặng gánh nghĩa tình/Tiếng đàn Then tính tính/Âm vang, âm vang từ ngàn xưa/Tiếng đàn Then tính tính/Ngân xa, ngân xa muôn đời sau”. Ông người gốc dân tộc Tày Chiêm Hóa nên “Tiếng đàn Then” như lời gan ruột của ông. Nhạc và lời mang đậm chất dân tộc Tày giản dị mà thiết tha sâu lắng.

Nhờ được học nhạc lý từ thời quân đội, đến nay nhạc sỹ đã sáng tác, phổ thơ tổng cộng trên 100 ca khúc, điển hình như “Vào Trận Mới”, “Lời ca gửi anh pháo thủ”, “Tổ 3 người trên trận chiến hôm nay”, “Tâm tình điệu hát Then”, “Đến với chợ tình”, “Tiếng khèn”, “Khúc Pì lè”, “Hội còn ngày xuân”, “Tình ca sông Gâm”, “Bếp lửa nhà sàn”, “Anh ơi về Tuyên Quang”, “Áo chàm”, “Chiêm Hóa mồng 8 tháng Giêng”... Các bài hát vẫn in ở dạng đánh máy bản thảo, chưa tập hợp in thành sách nhạc. Ông bảo, cũng không có điều kiện ra album âm nhạc, có bài nào lại nhờ đài huyện hát, tuyên truyền giúp. Năm 2018, bài “Điệu hát Then tới đảo Trường Sa” lại bất ngờ giành giải A Liên hoan Hội Nhạc sỹ Việt nam khu vực phía Bắc, cho thấy chất lượng sáng tác được ông đề cao. Bài hát có đoạn “Tiếng hát em lướt trên ngọn sóng, lượn bồng bềnh như cánh Hải Âu/Điệu hát Then mang tình rừng núi, đến bên anh lính đảo Trường Sa”.

Tăng Thình thành công ở nhiều sáng tác sử dụng đậm đặc chất liệu dân gian của dân tộc Tày. Với “Bếp lửa nhà sàn” phổ thơ Mai Liễu, giai điệu của ca khúc cứ êm ả, mênh mang: “Vuông vuông bếp lửa nhà sàn/Tròn tròn cái kiềng trong bếp vuông/Phía trên là chỗ ông của cha/Phía bên là chỗ bà, chỗ mẹ/Phía dưới là của con dâu, con gái/Trẻ con ngồi xung quanh”.

Đối với nhạc sỹ Tăng Thình những lúc yên ắng, trầm tư về cuộc đời ông lại ngồi vào góc làm việc với chiếc laptop Dell cũ quen thuộc gõ lách chách. Những sáng tác mới lại ra lò, thể hiện trách nhiệm xã hội của người nghệ sỹ. Nhìn trên đống bản thảo, tôi thấy bài “Về Thượng Lâm” phổ thơ Vũ Mạnh Tữ, phường Nông Tiến (TP Tuyên Quang) đang sáng tác dở. Nhạc sỹ Tăng Thình tâm sự: “Tớ vẫn yêu nhạc, yêu thơ lắm. Bài này cố gắng thời gian tới xong. Tớ làm trang trại, nói nôm na như bà vợ thường bảo là trại sáng tác của mình”.

Phóng sự: Quang Hòa

Tin cùng chuyên mục