Người đi chợ phiên

 

Trời chưa sáng rõ, tiếng gà gáy lần thứ 2 chưa kịp chuyền đến cuối bản thì bà Mẩy đã trở dậy. Phồng mồm thổi bếp lửa cháy bà vội hơ lại ống cơm lam để cạnh bếp từ tối hôm qua cho ấm. Cái lạnh xuyên qua những khe ván như muốn níu chân bà lại bên bếp lửa. “Phải đi sớm chút mới kịp” bà tự giục mình.

Trong buồng thằng cháu nội thi thoảng khóc đòi ti mẹ, tiếng gà đã gáy lần ba, chiếc túi nải được chuẩn bị từ tối qua treo bên bậu cửa, bó đuốc chẻ từ trước giờ đã bén lửa. “Đi thôi!”. Bên ngoài, những làn sương lạnh tự cho mình làm chủ cả bản So Luồng đang cố cuốn lấy chân người già, ánh đuốc không thể xua được chúng bay lên trời nhưng chỉ được con đường cho bà Mẩy đi hướng về con dốc Khâu Săm. Xa xa, có ánh đuốc đợi ở đầu dốc từ lúc nào.

- Đợi lâu chưa?

- Mới đến thôi, hôm nay có gì thế.

- Có ít măng vầu.

- Tao cũng có hơn trăm lá dong.

- Ừ! đi thôi, đến chợ lại muộn thì hết chỗ.

Hai ngọn đuốc hướng thẳng lên con dốc Khâu Săm khi cả So Luồng còn chưa thức. Tiếng gà gáy vọng vào vách núi đi theo ngọn đuốc tiếp sức cho hai người già leo lên dốc.

So Luồng, một bản làng người Dao đã không còn những lần thách cưới hơn trăm đồng bạc trắng, cũng không còn những tiếng kèn trong những ngày giáp xuân, tiếng Páo dung đã lặn theo người già nhường cho những tiếng hát của người trẻ. Những ngày chợ phiên, cả bản đợi cho mặt trời chiếu xuống nửa con dốc Khâu Săm mới gọi nhau đi chợ bằng những tiếng xe máy vọng vang khắp núi. Chỉ có bà Mẩy và bà Tam thì khác, phiên chợ nào hai bà cũng hẹn nhau đi thật sớm khi cả bản còn chưa hết tiếng ngáy của những người đàn ông say rượu. Nhiều người đi xe gặp hai người già có ý chở đi nhưng chỉ nhận được hai cái lắc đầu.

- Đi làm gì, tý nó hất cho xuống đất lúc nào không biết.

- Ừ loáng một cái đến chợ, loáng một cái đến nhà ai kịp nói chuyện với nhau chứ.

Rồi hai người già tiếp tục đi, tiếng nói chuyện vẫn đều đều theo những bước chân.

Đến chợ Bản Mới ở gốc cây đa cổ thụ quen thuộc đã có mấy người già ngồi đó từ lúc nào. Chỗ trống dành cho hai bà vẫn còn, những hòn đá nhẵn bóng dành riêng cho từng người như đã được khắc tên trên đó. Cả chợ chẳng mấy ai ghé qua gốc đa mua hàng nhưng tiếng cười nói, tiếng thở dài của những người già ở đó vẫn đều đều như chẳng chú ý đến sự ồn ào bán mua.

Ngồi xuống phiến đá, bà Mẩy vội lấy tẩu ra hút thuốc, chốc chốc lại gõ tẩu vào đá để thay thuốc mới, bên cạnh đó những tiếng cộc cộc cũng vang lên đều đều. Không biết từ bao giờ gốc đa ấy đã trở thành cửa hàng riêng dành cho những người già tụ tập lại. Họ đều là những người bạn quen nhau từ những ngày còn ngồi hát Páo dung thâu đêm bên bếp lửa, nhiều người đã làm bà nội, bà ngoại. Cứ đến chợ phiên họ hẹn nhau từ các bản khác về lại tụ tập ở gốc đa, nơi ấy có những hòn đá nhẵn dành riêng cho từng người. Có người chỉ đến để gặp mặt nhau, cũng có người chỉ ngồi thêu, chốc chốc lại ngẩng đầu lên nói chuyện.

Cũng có người mang vài bó rau rừng, lúc lại vài cân măng vầu, củ mài... đến, các cụ về đây bán chẳng được là bao nhưng được gặp nhau, được nói chuyện ai cũng vui. Mỗi lần chợ phiên ai cũng đều chuẩn bị cho mình những câu chuyện mới, chuyện gia đình, chuyện bà Nải mệt không đi chợ được, chuyện chồng bà Mụi mất, chuyện con cháu trong nhà... Khuôn mặt ai cũng có vui, có buồn nhưng khi chợ tan, những ánh mắt lại nhìn nhau chẳng muốn về. Không biết phiên chợ sau còn ai.

Minh họa: Bích Ngọc

Phiên chợ nữa lại tới, hai ngọn đuốc vẫy vượt qua đèo Khâu Săm khi cả So Luồng vẫn còn ngủ. Gốc đa già vẫn đầy đủ những phiến đá nhẵn bóng cho từng người. Nhưng phiên chợ này có lẽ vắng hơn, bà Nải vừa mất, ba phiên chợ trước bà vẫn cố đến nói chuyện với mọi người. Lần đó bà không mang theo cái gùi như mọi lần, được nửa chợ bà về trước vì thấy mệt, những câu chuyện bà nghe được đều dang dở. Suốt buổi hôm ấy, không còn tiếng cười, chỉ có những tiếng thở dài nhiều hơn, có cả sụt sịt nhẹ.

- Bà còn nhớ cái lần bà Nải dắt theo cháu đi chợ không? Nó có cái mũi to giống hệt bà nội, bà ấy khoe suốt.

- Ừ lần đó bà ấy chạy khắp nơi mua bánh cho cháu, bánh gì cũng mua.

- Bà ấy được bao nhiêu tuổi rồi nhỉ?

- Hình như gần bảy mươi thì phải.

- Ừ!

Cả phiên chợ hôm đó chỉ nói về những câu chuyện liên quan đến người mới mất, những mớ rau, củ măng chẳng bán được mấy nhưng chẳng cần nữa rồi. Người đã đi để lại cho người sống nhiều cái tốt, nhiều cái để nói.

Chợ tan, trên tay ai cũng có những gói bánh bằng lá dong nhỏ xíu lủng lẳng treo ở dây túi nải mang về cho các cháu. Trên đường về So Luồng những câu chuyện về bà Nải vẫn đều đều theo những bước chân về con dốc về bản.

* * *

Chẳng biết bao nhiêu phiên chợ Bản Mới qua đi, bà Mẩy sau một lần ốm nặng, trí nhớ đã giảm đi nhiều, ai hỏi gì cũng không nhớ nhưng cứ đến phiên bà lại xách túi nải leo con dốc Khâu Săm đi chợ. Bà Tam đã mất cách đó ba phiên chợ nhưng có lẽ bà Mẩy chẳng còn nhớ nữa. Gốc đa giờ đã có những hòn đá mọc rêu xanh, bà Mẩy vẫn đến đúng hòn đá của mình ngồi ngắm dòng người qua lại. Cái tẩu thuốc trên tay vẫn đều đều gõ vào đá. Đôi mắt bà buồn buồn nhìn dòng người, không ai chào bà, không ai nói chuyện với bà. Những tiếng thở dài liên tục, những cái nhìn xung quanh như tìm người quen chẳng có điểm dừng lại.

Năm sau, chợ phiên Bản Mới được xây lại khang trang ở ngay cạnh khu chợ cũ, gốc đa giờ đã không còn những người già ngồi cạnh đó nữa. Vào những ngày chợ phiên tấp nập, dòng người vẫn đi lại bận rộn bán mua. Những phiến đá nhẵn bóng đã được chuyển đi nơi khác.

Những tiếng cộc cộc đã vọng vào quá khứ.

Truyện ngắn: Triệu Hoàng Giang

Tin cùng chuyên mục