Tết quê

- Tháng Chạp, những cơn gió mùa đông bắc liên tiếp ùa về. Gió bấc tái tê ngấm vào từng thớ thịt. Trên cánh đồng làng, vài người nông dân choàng áo mưa che thân, cố gắng cày cuốc chuẩn bị trồng hoa màu. Tết đang đến rất gần, nhưng họ chưa thể nghỉ ngơi, vì giêng, hai rất dài. Cái giáp hạt tháng ba vẫn luôn ám ảnh những người nông dân quê tôi.

Minh họa: Bích Ngọc

Dù công việc đồng áng còn rất nhiều bề bộn, nhưng trong tâm trí họ đã nghĩ về Tết. Có biết bao thứ việc phải lo. Tết đến rồi, bọn trẻ cần bộ quần áo mới. Trên bàn thờ tổ tiên cũng phải có mâm ngũ quả. Rồi bánh chưng, dưa hành, câu đối… cũng cần có một khoản tiền không nhỏ. Cả năm chắt chiu nuôi con lợn, con gà, dành những cân gạo nếp ngon nhất để ăn Tết. Nhưng phải bán bớt đi lấy tiền mua sắm. Người quê đón Tết không cần nhiều hoa và đèn nhấp nháy. Thứ cần nhất là một con lợn béo, vài con gà sống thiến và chục cân gạo nếp thơm.

Tôi còn nhớ những Tết quê mộc mạc nhưng giầu tình làng, nghĩa xóm. Từ trước Tết cả tháng trời, bố tôi đã cất công ủ men cho mẻ rượu đủ mấy ngày đón tết và tiếp khách. Một nét văn hóa rất đẹp, đó là mấy ngày tết, dân làng dành thời gian đến thăm nhà nhau với tình cảm thắm thiết. Mỗi khi nhà có khách đến chúc Tết, gia chủ sẽ chuẩn bị mâm cỗ đủ hương vị Tết mời khách. Những lời chúc năm mới đủ đầy, lợn to, thóc nhiều, gia chủ khỏe mạnh, cuộc sống yên vui, đầm ấm. Chỉ một khoanh bánh chưng, một chén rượu nồng lấy cái may năm mới thế là tất cả đều vui.

Tết quê vui nhất, háo hức nhất là khi nhà có con lợn béo để mổ. Cỗ lòng sẽ được chế biến thành các món và không thể thiếu tiết canh, dồi lợn. Bữa cơm thịnh soạn đầu tiên của Tết luôn hàm chứa rất nhiều cung bậc cảm xúc. Đĩa lòng lợn cùng thịt luộc thơm ngậy khiến lũ trẻ chúng tôi có một bưa ăn thỏa thích, bù cho sự dè xẻn suốt cả năm trời. Hàng xóm, những nhà liền kề thường qua giúp việc mổ lợn. Và mâm cỗ vui lan tỏa đầy ắp thân thương. Dư vị Tết ở làng cứ thế lan tràn qua các chòm xóm. Hương nếp thơm từ những nồi bánh chưng quyện dính trong tâm tưởng người quê.

Nhà tôi, mẹ thường gói bánh chưng vào ngày cận ba mươi Tết. Nhà đông con, nhưng neo người làm, nên chẳng khá giả. Lũ chúng tôi lúc nào cũng hau háu đói. Vì vậy, mẹ sợ gói bánh sớm thì chưa qua 3 ngày Tết đã hết bánh chưng. Dù phải chờ đợi, nhưng chúng tôi vô cùng háo hức được phụ giúp mẹ gói bánh. Rá gạo trắng ngần, đỗ xanh đã đãi sạch vỏ. Mẹ cẩn thận gấp từng chiếc lá, đong từng bát gạo, gói ghém bao nhiêu nhọc nhằn vào mỗi chiếc bánh chưng. Đêm ba mươi Tết, bố tôi thường chuẩn bị một cái chậu để hòa nước vôi quét lên những gốc cây xung quanh nhà. Trước cổng nhà, bố lấy vôi bột vẽ những cung nỏ, gươm dao để trừ tà ma...

Không rộn ràng, rực rỡ đèn hoa như ngoài phố, Tết ở làng có một dư vị riêng, đằm thắm và gắn bó thân thương. Tết, nhà nào cũng dựng một cây nêu trước sân nhà và treo những vật dụng biểu tượng cho sự no ấm, an vui lên cây nêu. Những biểu tượng này được làm từ vải đỏ hoặc giấy màu, khiến cho hình ảnh Tết quê thêm ấn tượng. Ngày tết, làng thường tổ chức rất nhiều trò chơi dân gian vui nhộn, lành mạnh.

Dân làng thường chọn một đám ruộng cạn bằng phẳng và rộng rãi ở trung tâm để làm sân đá bóng, dựng cây còn. Sáng mùng một Tết, bọn trẻ con chúng tôi tươm tất trong các bộ quần áo mới chạy tung tăng khắp làng rồi tụ tập chơi những trò truyền thống, như: Đánh khăng, đánh đáo, đánh quay, chơi trận giả. Thanh niên nam nữ thì chơi đánh yến, kéo co, đi cà kheo, thi ném còn. Người già thì quây quần bên bếp lửa nhâm nhi chén rượu, rôm rả những chuyện làng, chuyện nước, chuyện làm ăn, cày cấy…

Tết mỗi nơi mỗi nét, nhưng Tết ở làng vẫn giữ được nhiều nét cổ truyền của dân tộc Việt Nam. Dù đi xa nơi đâu ta vẫn nhớ về cái Tết quê của quê hương ấm áp tình người, tình quê.

Hoa Nguyên

Tin cùng chuyên mục