Lá cẩm tím dùng để làm xôi tím và Xôi nếp tím.
Món xôi nếp tím không thể đẹp mắt và ngon nếu thiếu loại lá nếp cẩm tím. Người Tày lên rừng hái lá nếp cẩm tím mang về nhà rửa sạch rồi đem phơi cho héo rồi có thể giã nhuyễn vắt lấy nước hoặc có thể luộc sôi rồi chắt lấy nước ngâm với gạo nếp. Lá nếp cẩm tím ở vùng cao thường mọc trên rừng nên không khó khăn để tìm. Gạo làm xôi tím thường phải là nếp nương, trồng trên những thửa ruộng bậc thang bởi vậy hạt mẩy, đều, gạo được đem vo sạch, rồi ngâm trong nước lá cẩm tím từ 6 đến 8 tiếng. Sau khi ngâm cho gạo mềm, người Tày vớt ra rá để tơi gạo rồi mới cho vào chõ để đồ. Để đạt màu tím nhạt hay đậm không chỉ tùy thuộc vào độ sánh của nước lá nếp cẩm mà còn phụ thuộc vào kinh nghiệm của người nấu. Xôi tím phải đồ bằng lửa củi, chõ gỗ được đục từ thân cây sung mới có được mùi vị thơm ngon hơn cả. Khi hạt gạo chín mềm, hạt xôi dẻo mà không dính, màu tươi, từng hạt bóng và lên màu tím, dậy mùi thơm ngào ngạt là đã hoàn thành quy trình nấu xôi.
Xôi được đồ trên bếp củi.
Xôi nếp tím thường được ăn kèm với thịt gà đồi, muối lạc vừng giã nhỏ hoặc thịt treo gác bếp rang cháy cạnh, thịt lợn chua. Nhiều người đã từng thưởng thức xôi tím đều cho rằng ăn món xôi này chỉ thấy no chứ không biết chán, cũng bởi màu sắc và lá cây làm cho món xôi trở nên mát, không dễ gì ngấy được. Những hạt xôi dẻo mềm, ngọt, thơm lừng, mùi vị đặc trưng thật khó lẫn với bất kỳ loại xôi nào đã từng thưởng thức. Đây cũng là món ăn tốt cho sức khỏe, bởi theo Đông y, lá nếp cẩm tím là loại cây thuốc có tính mát, tác dụng chữa các bệnh về hô hấp rất hiệu quả. Khi xưa, món xôi nếp tím là món ăn tiện lợi, được người vùng cao thường mang theo lên nương rẫy nhưng nay để phục vụ nhu cầu ẩm thực của du khách, món xôi nếp tím thường được chủ nhà mang đãi khách và thường xuất hiện trong những ngày lễ, Tết. Trong bữa cơm của người Tày, món xôi nếp tím thường làm cho mâm cơm trở nên hấp dẫn, đẹp mắt, là món quà ý nghĩa dành cho bất kỳ ai khi đến với xứ Tuyên.
Gửi phản hồi
In bài viết