Để bảo vệ người tiêu dùng, các lực lượng chức năng đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về thương mại; chú trọng kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân lợi dụng nhu cầu tiêu dùng tăng cao vào dịp Tết để tăng giá bất hợp lý, gây bất ổn thị trường, nhất là đối với các mặt hàng được tiêu dùng nhiều trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2024. Đặc biệt, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng thông qua công tác thông tin tuyên truyền.
Tuy nhiên, để ngăn chặn hàng lậu, hàng giả, thực phẩm bẩn chỉ lực lượng chức năng không đủ, mà cần có sự chung tay của các doanh nghiệp và người tiêu dùng. Doanh nghiệp chính là đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp khi hàng hóa của mình bị làm giả, làm nhái. Vì vậy, cần chủ động báo cáo cơ quan chức năng khi phát hiện sản phẩm của mình bị làm giả, làm nhái trên thị trường; chủ động phối hợp với cơ quan chức năng để đấu tranh, triệt phá cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng giả.
Người tiêu dùng cần góp sức bằng cách “nói không” với hàng giả, hàng lậu; phản ánh với cơ quan chức năng đối tượng, cơ sở có dấu hiệu kinh doanh hàng lậu, hàng giả, nhất là trên môi trường Internet, giúp cơ quan chức năng điều tra, xử lý kịp thời. Trách nhiệm của người tiêu dùng nên mua hàng có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, để có thể tự bảo vệ mình khi sử dụng hàng có vấn đề về chất lượng.
Cùng với đó, cần tăng cường tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp chấp hành các quy định liên quan của pháp luật hiện hành; tích cực tham gia đấu tranh ngăn chặn các hoạt động gian lận thương mại, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhà sản xuất, thương nhân cũng như quyền của người tiêu dùng.
Gửi phản hồi
In bài viết