Nông thôn là nơi lưu giữ, bảo vệ, trao truyền nhiều giá trị văn hóa của dân tộc qua các thế hệ, của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Vì vậy, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong xây dựng nông thôn mới là rất quan trọng, đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện, bền vững của nông thôn Việt Nam.
Tại Tuyên Quang, mỗi bản, làng nông thôn miền núi đều mang giá trị văn hóa truyền thống dân tộc đặc trưng. Ví như bản Tày không thể thiếu nếp nhà sàn, cọn nước, lời Then với thanh âm đàn Tính. Bản Mông không thể thiếu nhà trình tường, khèn Mông, kèn lá. Bản Dao thường có lễ Cấp sắc, thanh âm kèn Pí lè...
Nên xây dựng NTM cần dựa trên các giá trị truyền thống địa phương, tính đặc thù mỗi vùng miền, kết hợp hài hòa giữa lợi ích kinh tế và giá trị truyền thống, từ đó đa dạng về ý tưởng quy hoạch, kiến trúc cảnh quan nông thôn chứ không thể "mặc đồng phục" NTM cho tất cả các địa phương.
Chính sự khác biệt vùng miền sẽ tạo ra hình ảnh địa phương hấp dẫn hơn, để tạo ra sự thu hút từ đời sống nông thôn, để mỗi địa phương không chỉ tự hào về những tiêu chí đã đạt được mà còn lưu giữ được những di sản nét đẹp văn hóa đặc trưng. Khi du lịch phát triển, mỗi làng bản nông thôn mới miền núi với nét đặc trưng của mình còn là điểm đến cho du khách tham quan, tìm hiểu. Nếu xây dựng NTM kiểu đồng phục sẽ mất đi tác dụng này.
Bởi suy cho cùng, mục đích xây dựng NTM chính là tạo nên sức sống mới cho cộng đồng nông thôn. Nên không thể thay đổi diện mạo nông thôn theo kiểu đồng phục, mà phải đi vào chiều sâu, gắn với bản sắc, giá trị nông thôn ở từng vùng, miền, địa phương.
Gửi phản hồi
In bài viết