Nhân ái và công bằng

- Người khuyết tật là đối tượng yếu thế, dễ tổn thương trong xã hội. Tuy vậy, họ không chỉ là đối tượng cần được ưu tiên, mà còn cần được nhìn nhận là lực lượng lao động tiềm năng, có vai trò tích cực với xã hội.

Đã có không ít người khuyết tật được học nghề và làm việc phù hợp với khả năng, tự tin cống hiến, tự tạo ra thu nhập, sống hòa nhập hơn với cộng đồng, xã hội. Nhiều người đã khởi nghiệp thành công, trở thành chủ doanh nghiệp, sau đó quay lại giúp những người đồng cảnh ngộ với mình.

Đảng và Nhà nước ta đã có hệ thống chủ trương, pháp luật về người khuyết tật khá đầy đủ. Luật Người khuyết tật có chương quy định về dạy nghề và việc làm đối với người khuyết tật. Chương trình trợ giúp cho người khuyết tật giai đoạn 2021 - 2030 do Thủ tướng phê duyệt có mục tiêu đến năm 2030 có 300 nghìn người khuyết tật có nhu cầu và đủ điều kiện sẽ được hỗ trợ đào tạo nghề tạo việc làm, phấn đấu hỗ trợ 100% người khuyết tật có nhu cầu và đủ điều kiện sẽ được hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi để tạo sinh kế, tạo việc làm. Chính phủ đã bố trí ngân sách khoảng gần 10 tỷ đồng mỗi năm để hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm cho khoảng 19 nghìn người khuyết tật...

Tuy  nhiên, hiện nay cả nước chỉ có 31,7% người khuyết tật từ 15 tuổi trở lên có việc làm. Nguyên nhân do người khuyết tật còn hạn chế về trình độ; thiếu chương trình, giáo viên tư vấn nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật. Thêm vào đó, là tâm lý tự ti, mặc cảm của bản thân người khuyết tật và gia đình. Nhưng nguyên nhân quan trọng nữa là vẫn còn không ít cấp chính quyền, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư nhận thức chưa đúng về người khuyết tật.

Để khắc phục những hạn chế nêu trên, trước hết cần nâng cao nhận thức về vai trò và khả năng làm việc của người khuyết tật. Thay vì chỉ coi người khuyết tật là đối tượng của những chương trình, hoạt động từ thiện; cần tạo điều kiện cũng như tạo cơ hội cho họ được làm việc. Thay vì chỉ tặng quà, thăm hỏi để thể hiện lòng thương, sự quan tâm, thì cần coi người khuyết tật như một lực lượng lao động tiềm năng, có vai trò tích cực với xã hội. Đó chính là cách ứng xử nhân ái và công bằng với người khuyết tật.

Việc tạo việc làm cho người khuyết tật cần lồng ghép với quá trình triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia để có thêm nguồn lực. Thêm vào đó, cần sự quan tâm thực chất, nhân ái của các đơn vị, doanh nghiệp để tạo việc làm và bố trí, điều chỉnh điều kiện làm việc cho người khuyết tật theo quy định trong Luật Người khuyết tật.

Thái An

Tin cùng chuyên mục