Mỗi khi đến giờ ra chơi, chúng tôi nô đùa chạy nhảy quanh sân trường thì bạn ấy ngồi trong lớp nhìn ra với ánh mắt thật buồn. Nhiều lúc, chúng tôi dìu bạn ra ngoài cửa lớp ngồi chơi cùng cho vui. Một số bạn thì không đồng ý vì cho rằng bạn ngồi như thế ảnh hưởng đến mấy trò chơi của mình. Có lần, tôi nghe thấy một bạn thẳng thừng: "Bạn ấy bị như vậy sống làm gì nhỉ?". Không biết bạn ấy có nghe được hay không nhưng sau đó bạn ấy không bao giờ ngồi chơi bên ngoài cửa lớp nữa. Cuối năm đó, bạn ấy chuyển trường và cho đến giờ chúng tôi không có thông tin gì về bạn ấy nữa.
Ngày đó, có thể bọn trẻ chúng tôi chưa hiểu gì về kỳ thị, về phân biệt đối xử với người khuyết tật là bạn mình. Nhưng lời nói vô tình đó chắc chắn là vết thương khó lành trong lòng bạn ấy. Hiện nay trong xã hội, người khuyết tật ngày càng được quan tâm cả về vật chất, tinh thần. Tuy nhiên, sự phân biệt, xa lánh người khuyết tật không phải là không có. Vẫn còn có quan niệm người khuyết tật là gánh nặng cho gia đình và xã hội. Trên thực tế, nhiều người khuyết tật đã làm được những công việc mà người bình thường chưa chắc đã làm được.
Tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII, Việt Nam đã phê chuẩn Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật. Công ước này quy định các quốc gia thành viên công nhận rằng mọi người đều bình đẳng trước pháp luật và có quyền được pháp luật bảo vệ, quyền được hưởng lợi ích pháp luật một cách bình đẳng, không phân biệt đối xử giữa người khuyết tật và những người khác.
Pháp luật Việt Nam cũng quy định rõ "Kỳ thị, phân biệt đối xử người khuyết tật" là một trong những hành vi bị nghiêm cấm (khoản 1 Điều 14 Luật Người khuyết tật 2010). Người khuyết tật có quyền tham gia bình đẳng vào các hoạt động xã hội, không có sự phân biệt giữa người khuyết tật và người khác. Người nào thể hiện thái độ khinh thường, thiếu tôn trọng với người khuyết tật, hoặc có những hành vi xa lánh, từ chối, ngược đãi, phỉ báng, có thành kiến hoặc hạn chế quyền của người khuyết tật vì lý do khuyết tật của người đó là vi phạm pháp luật. Không để người khuyết tật bị tổn thương mà cần khuyến khích, giúp đỡ, quan tâm để họ có sức khỏe, được cống hiến cho gia đình, xã hội bằng khả năng của mình.
Gửi phản hồi
In bài viết