Sáng tạo - Bản sắc - Độc đáo

- Với hơn 650 di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh, trong đó có đến 474 di tích lịch sử, Tuyên Quang thực sự là bảo tàng sống, là địa chỉ đỏ, là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách.

Cùng với những di tích lịch sử, Tuyên Quang có 22 dân tộc anh em, với những nét văn hóa truyền thống đặc sắc được gìn giữ mang đến cho du khách nhiều trải nghiệm thú vị.

Tuyên Quang cũng có nhiều công trình kiến trúc có lịch sử lâu đời, các sản phẩm thủ công của các làng nghề. Đây chính là nhân tố quan trọng tạo nên bản sắc riêng, là nguồn tài nguyên văn hóa để tỉnh có thể khai thác phát triển ngành công nghiệp văn hóa.

Nhiều năm qua, tỉnh cũng đã ban hành nhiều chính sách tích cực nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa, như: Nghị quyết số 29-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang (khóa XVII) về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh; Chỉ thị số 07-CT/TU về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Tuyên Quang đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện, bền vững; Đề án “Phát triển du lịch tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; Kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang…

Công nghiệp văn hóa hiện được Chính phủ xác định bao gồm 12 lĩnh vực: Quảng cáo; kiến trúc; phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; điện ảnh; xuất bản; thời trang; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm; truyền hình và phát thanh; du lịch văn hóa. 

Thế giới ngày càng phẳng, được ví như “ngôi làng toàn cầu”. Đây là cơ hội để Việt Nam nói chung và tỉnh nói riêng xuất khẩu nhiều sản phẩm công nghiệp văn hóa ra thế giới theo hướng đi tắt đón đầu. Tuy nhiên, kết quả lại chưa được như kỳ vọng vì cách làm chưa phù hợp với suy nghĩ cùng với thế giới.

Vì vậy, phát triển công nghiệp văn hóa bên cạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ, quyết liệt, kiên trì, bám sát các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về văn hóa, cần phải gắn với quảng bá, lan tỏa hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Các sản phẩm dịch vụ văn hóa phải đảm bảo “Sáng tạo - Bản sắc - Độc đáo - Chuyên nghiệp - Lành mạnh - Cạnh tranh - Bền vững”. Đây là những yếu tố đã được Thủ tướng Chính phủ kết luận tại Hội nghị toàn quốc, thể hiện rõ quan điểm sâu sát, toàn diện của Đảng, Nhà nước ta về phát triển ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.

Phương Đông

Tin cùng chuyên mục