Giá trị nhân văn của Tết cổ truyền
Người Việt Nam có tục hàng năm mỗi khi Tết đến, xuân về, dù làm bất cứ nghề gì, ở bất cứ nơi đâu đều mong được trở về sum họp dưới mái ấm gia đình trong 3 ngày Tết. Về quê ăn Tết, đó không phải là một khái niệm thông thường đi hay về, mà là một cuộc hành hương về với cội nguồn, nơi chôn rau cắt rốn.
Tết cũng là ngày đoàn tụ với cả những người đã mất. Từ bữa cơm tất niên đêm 30, trước giao thừa, các gia đình đã thắp nén nhang thơm mời hương linh ông bà, tổ tiên và những người thân đã qua đời về ăn cơm, vui Tết với con cháu. Trong mỗi gia đình Việt Nam, bàn thờ gia tiên có một vị trí rất quan trọng. Bàn thờ gia tiên ngày Tết là sự thể hiện lòng tưởng nhớ, kính trọng của người Việt đối với tổ tiên, người thân đã khuất với những mâm ngũ quả được lựa chọn kỹ lưỡng.
Tết Nguyên đán còn là ngày để tạ ơn. Người Việt chọn ngày Tết làm cơ hội để tạ ơn. Con cái tạ ơn cha mẹ, cha mẹ tạ ơn ông bà, tổ tiên. Với một hệ thống lễ nghi vô cùng phong phú và giàu ý nghĩa nhân văn sâu sắc, Tết Nguyên đán đã trở thành ý thức hệ dân tộc, thể hiện bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam.
Tết Nguyên đán cổ truyền của người Việt có một giá trị truyền thống tinh thần rất lớn. Ảnh: Hoàng Niềm
Có thể nói, Tết Nguyên đán vẫn là một nét sinh hoạt văn hóa vừa lưu giữ những giá trị truyền thống vừa thích nghi với nhịp sống hiện đại. Trong ngày Tết vẫn còn nhiều phong tục tốt đẹp và đậm tính nhân văn mà chúng ta cần giữ gìn và phát huy để Tết Nguyên đán mãi là nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Việt Nam.
Giữ điều căn cốt
Tết Nguyên đán là một phong tục đẹp mà nhân dân ta còn duy trì tới ngày nay. Thế nhưng cùng với thời gian và sự phát triển của xã hội, sự thay đổi về phong cách sống, điều kiện sống, một số phong tục đón Tết cổ truyền đẹp và độc đáo của Việt Nam đang dần được thay thế.
Những cuộc tranh luận về các giá trị cũ - mới vẫn đang tiếp tục được khơi lên mỗi khi Tết đến - Xuân về. Người Việt đang hướng đến việc định hình những phương thức ăn Tết mới, thích hợp với điều kiện của xã hội hiện đại. Trải qua bao biến thiên của thời đại, đến nay, quan niệm về Tết đã có nhiều thay đổi cả về mặt khái niệm lẫn hành vi. Bây giờ người ta quan niệm là “nghỉ Tết”, “chơi Tết” chứ không còn là “ăn Tết”. Khi cái ăn, cái mặc không còn là vấn đề quan trọng trong ngày Tết thì người ta hướng đến tinh thần nhiều hơn.
Cùng với mức sống ngày càng nâng cao và quan niệm “ăn tết” không còn quá nặng nề, cho nên xu hướng “chơi tết” cũng ngày càng trở nên phổ biến. Nhiều gia đình và những người trẻ tuổi đang có xu hướng tận dụng những ngày nghỉ tết dài để đi du lịch cùng người thân, bạn bè.
Không thể phủ nhận mặt tích cực của hội nhập văn hóa đem lại. Sự mở cửa giao lưu, tiếp xúc lại chính là những phương thức tốt nhất giúp Việt Nam giới thiệu đến bạn bè quốc tế về Tết cổ truyền của người Việt Nam. Vấn đề ở đây là chúng ta phải làm chủ được quá trình tiếp xúc với văn hóa phương Tây để tết cổ truyền của người Việt vẫn giữ được bản sắc riêng của mình mà không bị “Tây hóa”.
Đã có những ý kiến đề xuất bỏ Tết Nguyên đán để tiện lợi quản trị xã hội, hội nhập kinh tế. Tuy nhiên dưới góc nhìn văn hóa, với sự tôn trọng đa dạng văn hóa của cộng đồng, với sự tích lũy lâu dài của mỗi nền văn minh, Tết Nguyên đán của người Việt như một di sản văn hóa cần được bảo tồn, phát huy, phát triển và quảng bá.
“Văn hóa là hồn cốt của Dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn”. Gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của Tết cổ truyền sẽ tạo nền tảng tinh thần vững chắc, cổ vũ, động viên mỗi người không ngừng cố gắng vươn lên, cùng chung sức đồng lòng thực hiện thành công khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Gửi phản hồi
In bài viết