Trở lại Na Hang

- Sinh sống ở Tuyên Quang bao năm tôi đã có dịp đi Nà Hang, du ngoạn trên lòng hồ thủy điện Na Hang, không phải chỉ một lần mà là... rất nhiều lần. Trước đây khi còn công tác tôi đến Na Hang chủ yếu là vì công việc. Sau này nghỉ hưu cũng đôi lần tôi đi du lịch Na Hang cùng bạn bè, người thân.

Bởi Na Hang là miền huyền thoại, là bức tranh cổ tích giữa đại ngàn không chỉ có phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, mà còn là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào các dân tộc nơi đây.

Tôi nhớ lần đầu tiên tới Na Hang là cuối năm 1981, mới học xong đại học, đang chờ phân công tác. Khi ấy tôi lên Nà Hang thăm chị gái đang dạy học ở Bắc Giòn, xã Đức Xuân. Phải chầu chực xếp hàng mấy ngày tôi mới mua được tấm vé ô tô khách. 5 giờ sáng ô tô rời bến xe thị xã (thành phố Tuyên Quang bây giờ) mà mãi gần 5 giờ chiều mới tới thị trấn Na Hang. Tôi phải nghỉ đêm ở nhà một người quen tại thị trấn. Sáng hôm sau cũng nhờ người quen giúp đỡ tôi được đi nhờ chiếc xe tải chở xi măng vào trụ sở xã Đức Xuân. Thật may mắn là không phải “cuốc bộ” mấy chục cây số...

Những gì còn đọng lại trong tâm trí tôi về Na Hang 43 năm trước là con đường đến huyện khá xa, gập ghềnh, nhiều sỏi đá, đèo dốc và rất khó đi. Ngoài ấn tượng về vùng đất heo hút “Na Hang quốc”, về nỗi buồn vắng ở cả cảnh và người, tôi không nhớ gì nhiều về Na Hang thuở ấy…

Có lẽ Na Hang đã bắt đầu thay da đổi thịt và được nhiều người biết đến từ những ngày có công trình thủy điện quốc gia được xây dựng tại nơi đây. Đường xá được mở rộng, nâng cấp, mở mới; phố thị hình thành; rồi nông thôn mới được xây dựng. Và hồ Na Hang - một địa điểm được mệnh danh là “Hạ Long trên cạn” đã góp phần làm nên những tua tuyến du lịch hấp dẫn du khách đến với mảnh đất này…

Tôi về nghỉ hưu đã 10 năm. Bẵng đi mất mấy năm, lần này tôi mới có dịp trở lại Na Hang. Cảm giác vừa vui, vừa háo hức, có gì như là sự hồi hộp mong chờ. Vẫn con đèo Cổ Yểng quanh co uốn lượn đã được nâng cấp và mở rộng, có taluy rào chắn an toàn. Không ít ô tô, xe máy dân phượt đã dừng lại lưng đèo chỉ để thu vào tầm mắt và ống kính hình ảnh con đường cùng toàn cảnh thung lũng trù phú thanh bình với những xóm làng quây quần dưới chân đèo. Cảnh ấy không hẳn ngoạn mục hay hùng vĩ như nhiều con đèo khác nhưng đủ khiến người ta thốt nhiên trầm trồ vì vẻ nên thơ và yên ả.

Na Hang đã đổi thay và phát triển rất nhiều so với thời tôi còn công tác, nhất là so với lần đầu tôi đến. Ở vùng ven thị trấn, những căn nhà sàn tranh tre nứa lá lụp xụp tạm bợ nằm dọc hai bên đường năm xưa giờ đã được thay bằng những căn nhà sàn bằng gỗ hoặc nhà xây khang trang, vững chãi. Hàng quán nối nhau mọc lên san sát. Ấn tượng trước đây về một phố huyện đìu hiu buồn tẻ khiến tôi thật sự ngỡ ngàng và phấn chấn khi gặp lại một thị trấn Na Hang trẻ trung, tươi mới và náo nhiệt, rộn ràng.

Tôi lại được dịp thưởng thức văn hóa ẩm thực của người dân miền sơn cước, ấn tượng vì lạ và ngon. Không phải chỉ ở tài nghệ nấu nướng chế biến món ăn của người Tày nơi đây mà ở chính nguyên liệu làm nên những món ăn ấy. Đặc biệt là món trứng rán rau rừng. Có vị thơm ngậy của trứng gà đồi được trộn một cách công phu hài hòa cùng rau rừng thái nhỏ, sau đó đổ vào khuôn hình trái tim để rán, nhìn thật thanh tao, hấp dẫn, ăn một lần rồi nhớ mãi.

Có cảm giác dường như những sản vật bình dị nơi đây dù là măng nứa, măng mai, hay trám đen, trám trắng, nếp nương, hay gà đồi, cá suối, rau rừng… cũng như những con người trên mảnh đất này, dẫu còn vất vả, dãi dầu mưa nắng nhưng tâm hồn luôn đậm sâu mà phóng khoáng.

Tôi rời Na Hang trong buổi chiều muộn, hoàng hôn dần buông trên đỉnh núi Pác Tạ. Ngoảnh lại phía sau, bến thủy Nà Hang cũng đang dần lùi xa khuất nẻo. Nhưng khung cảnh yên tĩnh, trầm mặc của non xanh, nước biếc hòa quyện với cảnh sắc mây trời và tình cảm nồng ấm, hồn hậu của đất và người Na Hang còn đọng lại trong lòng tôi, dịu êm mà khắc khoải…

Hoài Thu

Tin cùng chuyên mục