Mưa mùa ngâu

- Những ngày nắng bỏng rát đã dìu dịu qua mùa. Những cơn mưa bất chợt ào xuống dương trần và rả rích suốt những ngày tháng Bảy âm lịch, báo một mùa Ngâu đã đến.

Mùa Ngâu mùa của Ngưu Lang, Chức Nữ. Nhưng với người Việt Nam, từ lâu cứ đến tháng Bảy âm lịch, trong tâm tưởng mỗi người lại bâng khuâng thương nhớ về những kỷ niệm xa xăm bên những người thân yêu. Có không ít những nỗi niềm, tâm trạng nặng trĩu trong tim thật khó nói thành lời. Nỗi nhớ về cha, về mẹ, về thầy, về bạn cứ ngân ngấn trong lòng. Có những nuối tiếc, có những khổ đau, có những niềm thương cứ đan lẫn vào trong tâm trí. Cảnh vật cũng nhuốm màu buồn. Bầu trời u ám, mặt đất ướt mềm. Từng hạt mưa còn đọng trên lá, trên cây cứ nhỏ xuống đếm thời gian nhắc nhớ ta về những ngày khó nhọc.    

Minh hoạ: Xuân Đức

Tôi lại nhớ ngày bé, thường giúp mẹ cắt giấy xanh đỏ thành hình những chiếc áo, chiếc mũ, đôi giày để sắp lễ cúng trong ngày Rằm tháng Bảy. Mẹ kể rằng, ông bà ngoại tôi chết vì nạn đói năm 1945, thân hình chỉ có da bọc xương… Mỗi bận như vậy mẹ lại khóc. Bây giờ tôi mới thấm nỗi niềm của mẹ khi ấy.

Mưa mùa ngâu giờ đây không chỉ hoài niệm về sự tích Ngưu Lang, Chức Nữ mà luôn mang đến cho những ai đã trưởng thành một suy ngẫm về nhân tình thế thái. Những cơn mưa dầm dề, những ngày dài lê thê trong khung cảnh u ám, ta nhận ra những vầng sáng quý giá. Những tia nắng xé mây dọi vào cơn mưa lấp lánh 7 sắc cầu vồng, cho ta thêm yêu cuộc sống, yêu thương con người và sẻ chia khó nhọc.          

Nhớ mùa Ngâu năm ấy, nhà hàng xóm của tôi cứ loay hoay che chắn lấy một chỗ khô ráo để ngồi. Ngôi nhà tranh vách đất xiêu vẹo chỉ chực đổ mỗi khi một cơn mưa to kèm theo gió mạnh. Chăn màn, quần áo đã thiếu lại ướt sũng vì mưa. Mẹ tôi lục tìm túi quần áo lấy những chiếc lành đem cho hàng xóm mượn. Khi đó tôi đã học lớp 6 nhưng cũng chỉ có một bộ quần áo lành. Tôi thấy Mẹ thảng thốt khi chứng kiến lũ trẻ hàng xóm co ro ở một góc nhà. Mưa từng cơn dội nước xuống mái tranh đã mòn mục, hắt nước vào trong nhà. Khoảnh khắc ấy ám ảnh tôi mãi tới tận hôm nay. Dù cuộc sống mỗi ngày thêm đủ đầy, nhưng đâu đó vẫn còn cảnh bữa no, bữa đói, vẫn còn đó những trẻ em chưa đủ quần áo măc. Mỗi lần ra phố, chứng kiến dòng người xe nhộn nhịp, áo váy muôn màu rực rỡ, bất chợt nghe nhói trong tim…

Theo quê, tôi tìm về nguồn cội. Giữa mùa ngâu mưa tối trời, trắng đất, cánh đồng làng thấp thoáng bóng người quê. Dáng ai như mẹ tôi ngày đó, gồng gánh nhọc nhằn trên đôi vai gầy. Hạt gạo, củ khoai nuôi chúng ta khôn lớn. Giờ đủ đầy ta lại chọn cách ăn sao khỏi tăng cân. Có nhiều lúc ta quên người làm ra hạt gạo trắng thơm phải đổi bao mồ hôi công sức. Củ sắn, củ khoai chẳng đáng giá gì, nhưng dân quê phải trả bằng giá đắt…

Tháng Bảy, mùa Vu lan báo hiếu, không ít người đua nhau sắp lễ cúng rằm. Những món đồ tiền triệu hóa thành khói bụi, chẳng biết có tới được những linh hồn người đã khuất. Tôi cứ nghĩ, lòng thành kính quý hơn tiền bạc. Dù ta có dâng bao nhiêu lễ vật, đốt bao nhiêu tiền vàng, mà tâm kia như đá, dửng dưng trước nỗi đau đồng bào thì linh thiêng có ứng?.

 Nhưng thôi, đèn nhà ai nấy rạng. Dù biết thế, sao lòng cứ xót xa nghĩ về những cơn mưa mùa ngâu rả rích và dầm dề mà thương cảnh dầm mưa, đội gió lam làm để có cái ăn, để lo cho ngày mai con cái được đến trường…

Hoa Nguyên

Tin cùng chuyên mục