Không yêu sao được khi cây khế đầu ngõ của nhà ai đó trở thành nơi tụ tập của bọn trẻ mỗi trưa hè. Mặc cho người lớn la mắng nhưng chúng vẫn nhởn nhơ hái khế rồi thích thú ăn đến cồn cào ruột gan. Dưới gốc khế già xù xì ấy là bộ bàn ghế gỗ giản đơn nay đã trở thành đồ cổ mà các bậc cao niên vẫn hàn huyên chuyện trong nhà, ngoài ngõ.
Chốc chốc các ông lại sòng sọc điếu thuốc lào rồi phả những làn khói hư ảo, khoái trá để khởi đầu một ngày mới. Các mẹ cặm cụi vào bếp rồi nhanh chóng mang ra chiếc ấm nhôm đen nhẻm vốn là đặc sản của người nhà quê để pha chè. Các ông điếu đóm, chè thuốc, các bà hái khế, nhặt rau rồi lựa những quả khế ngon, mọng nước biếu hàng xóm. Tình làng, nghĩa xóm cứ thế gắn kết, bền chặt bởi những buổi chè nước và những món quà quê giản dị ấy.
Không yêu sao được khi dòng sông quê đã tắm mát bao tuổi thơ. Trưa hè oi ả, một lũ trẻ trâu trần chuồng ngâm mình dưới làn nước trong vắt. Đứa biết bơi dạy đứa chưa biết bơi rồi tìm bắt bằng được những chú chuồn chuồn ngô để cắn rốn. Thỏa thuê với dòng nước, chúng lại tìm những viên đá cuội tròn, dẹt lia trên mặt sông rồi cùng đếm to 1, 2, 3… xem viên đá nào văng được nhiều nhịp nhất cho đến khi chúng chìm nghỉm xuống lòng sông. Cuộc vui của bọn trẻ chỉ có hồi kết khi tiếng gọi về ăn cơm của các bà, các mẹ vang lên đầu xóm, cuối xóm. Để rồi sau này xa quê, mỗi khi nghe tiếng gọi của ai đó vọng lại, lại khiến mỗi chúng ta chột dạ…, hình như tiếng mẹ, rồi cay cay nơi sống mũi.
Không yêu sao được khi con đường làng gập ghềnh, quanh co đã gói bao nỗi niềm sâu kín của tuổi học trò. Gốc gạo đầu làng kia đã chứng kiến bao yêu ghét, hờn ghen của lứa đôi. Có lẽ vì thế mà những chùm gạo đỏ rực ấy cứ âm thầm se duyên, chắp cánh cho bao ước mơ, hạnh phúc của đôi trai gái ở làng. Để rồi nhìn thấy những bông hoa gạo đỏ rực, trái tim ai đó lại thổn thức, lại rạo rực như trở về thuở xa xưa ấy.
Ở đó, dưới ánh trăng rằm vằng vặc, những chàng trai, cô gái đã cất lên điệu hát giao duyên khiến bao đôi má thêm ửng hồng, bao trái tim lạc lối. Lời ca, điệu hát cứ dạt dào tuôn chảy trong những trái tim yêu đã làm dày thêm kho tàng dân ca giao duyên của cộng đồng dân tộc. Bởi thế, biết bao năm xa quê, có người đầu đã hai thứ tóc nhưng khi tiếng Then, tiếng Cọi, tiếng Páo dung… vang lên đâu đó là lồng ngực như thắt lại.
Giai điệu quê hương với những nốt thăng trầm đủ gieo vào lòng người những giăng mắc nhớ nhung. Tình yêu, nỗi nhớ quê đến từ đâu thật khó cắt nghĩa. Xin mượn hai câu thơ của nhà thơ Đỗ Trung Quân để thay cho lời kết: Quê hương nếu ai không nhớ/Sẽ không lớn nổi thành người.
Gửi phản hồi
In bài viết